Đào tạo Xét nghiệm HIV bằng kỹ thuật huyết thanh học
HIV thuộc họ Retroviridae
được biết đến từ năm 1970, nhưng cho đến năm 1981 dịch tễ học về một
hội chứng mới do HIV gây nên - hội chứng suy giảm miễn dịch gọi tắt là
AIDS mới được ghi nhận một cách tổng thể. Năm 1983, HIV được phân lập ở
Viện Pasteur Paris từ những bệnh nhân đồng tính luyến ái bị sưng hạch.
HIV đã trở thành một tác nhân gây bệnh dịch trên toàn cầu.
Ở Việt Nam, trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1990 ở
miền Nam, đến năm 1998 dịch đã lan rộng ra 100% tỉnh, thành phố. Trong
giai đoạn từ 2001-2005, dịch bắt đầu lan rộng và tăng nhanh, không chỉ
tập trung chủ yếu ở nhóm nghiện chích ma túy và phụ nữ bán dâm như những
năm trước đây, mà còn xuất hiện ở tất cả các ngành nghề, địa vị, tầng
lớp xã hội khác nhau. Năm 2006-2007 số người nhiễm HIV được phát hiện
tăng rất cao, mỗi năm phát hiện 30.000 ca. Tính đến 31/12/2010, cả nước
có 183.838 người nhiễm HIV hiện đang còn sống được báo cáo, trong đó có
44.022 bệnh nhân AIDS, số người tử vong do HIV/AIDS là 49.477 trường hợp
(Nguyễn Trần Hiển, 2011).
Những hiểu biết về các đặc điểm gây bệnh của HIV, các phương pháp phát
hiện bệnh, xác định tỷ lệ nhiễm HIV sẽ góp phần hữu hiệu trong công tác
phòng chống đại dịch này. Cho
đến nay, có rất nhiều kỹ thuật đã được nghiên cứu phát triển để ứng
dụng trong xét nghiệm HIV. Chẩn đoán HIV có thể thực hiện bằng kỹ thuật
phát hiện sự lưu hành kháng nguyên, kháng thể, kỹ thuật phân lập vi rút,
kỹ thuật sinh học phân tử, kỹ thuật phát hiện và định lượng các dấu ấn
của sự nhiễm vi rút như tế bào CD4 ở máu ngoại vi… Việc lựa chọn kỹ
thuật xét nghiệm HIV phụ thuộc vào mục đích, đối tượng, thời điểm phơi
nhiễm và tỷ lệ nhiễm HIV trong quần thể (Phạm Hồng Thắng, 2012).
Để thực hiện tốt, có hiệu quả công tác phòng chống HIV/AIDS, giảm nguy
cơ lây nhiễm, công tác xét nghiệm HIV để phát hiện sớm, chính xác đóng
vai trò quan trọng hơn bao giờ hết, khi định kiến xã hội về người bị
nhiễm HIV vẫn còn rất nặng nề và thiếu sự cảm thông. Do vậy, đào tạo
chuyển giao kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trong xét nghiệm HIV là một
yêu cầu cấp thiết nhằm tăng cường năng lực xét nghiệm, mở rộng và phát
triển mạng lưới phòng xét nghiệm HIV ở Việt Nam. Hơn thế nữa, khoa học
ngày càng phát triển những kỹ thuật mới để ứng dụng trong xét nghiệm
HIV, ngoài ra cán bộ y tế dự phòng thường xuyên luân chuyển công tác nên
vấn đề đào tạo liên tục càng trở nên cấp thiết.
Đáp ứng nhu cầu thực tế từ các Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, các Bệnh
viện, các tổ chức y tế khu vực phía Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung
ương tổ chức khóa đào tạo “Xét nghiệm HIV bằng kỹ thuật huyết thanh học”
cho cán bộ xét nghiệm. Khóa học tập trung bổ sung kiến thức cơ bản về
vi rút HIV, các phương pháp xét nghiệm HIV, cách lấy mẫu, bảo quản và
vận chuyển bệnh phẩm tới phòng xét nghiệm. Học viên được hướng dẫn thực
hành thành thạo các kỹ thuật chẩn đoán huyết thanh học HIV, đồng thời
cũng nhấn mạnh các biện pháp an toàn trong xét nghiệm, các biện pháp xử
lý dự phòng phơi nhiễm HIV, xử lý rác thải y tế cũng như các biện pháp
đảm bảo chất lượng và kiểm tra chất lượng xét nghiệm, tiêu chuẩn phòng
xét nghiệm tự khẳng định HIV dương tính, nội kiểm tra và chương trình
ngoại kiểm trong xét nghiệm huyết thanh học HIV.
Chương trình được thiết kế theo hình thức giảng dạy tích cực, lấy học
viên làm trung tâm. Giảng viên thuyết trình với hình ảnh minh họa, sử
dụng giáo cụ trực quan, đưa ra vấn đề cho học viên thảo luận nhóm. Phần
thực hành học viên được kiến tập và hướng dẫn thực hành thành thạo tại
cơ sở đào tạo.