"Bộ môn Di truyền học - KHOA SINH HỌC"

Lịch sử hình thành và phát triển
Được thành lập tháng 9 năm 1966, trải qua 45 năm xây dựng và trưởng thành, Bộ môn Di truyền học luôn duy trì là một bộ môn quan trọng trong cơ cấu của Khoa Sinh học. Là một trong những cơ sở đào tạo cán bộ khoa học Di truyền học có trình độ cao và uy tín hàng đầu đất nước, Bộ môn có hai nhiệm vụ chính trị cơ bản là: 1) Đào tạo các cấp từ đại học đến tiến sĩ và 2) Nghiên cứu phát triển Di truyền học. Ngoài ra, Bộ môn còn đảm nhận đào tạo các lớp THPT chuyên Sinh học thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên; đào tạo, bồi dưỡng các cán bộ ở các cơ sở, các viện nghiên cứu và bồi dưỡng giáo viên cho các trường khác.
Trong quá trình phát triển, Bộ môn đã quy tụ được nhiều nhà khoa học hàng đầu đất nước thuộc lĩnh vực Di truyền học trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học và đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đào tạo và xây dựng đất nước. 
Hướng nghiên cứu Các hướng đào tạo và nghiên cứu chính
a. Đào tạo đại học và sau đại học
-   Đào tạo cử nhân Sinh học, cử nhân Công nghệ Sinh học, Cử nhân Khoa học Tài năng chuyên ngành Di truyền học theo các hướng: Di truyền học và chọn giống thực vật, Di truyền học và chọn giống động vật, Di truyền học vi sinh vật, Di truyền học tế bào, Di truyền học phân tử.
-   Đào tạo Thạc sĩ khoa học và Tiến sĩ chuyên ngành Di truyền học, thuộc các lĩnh vực: Di truyền Chọn giống vật nuôi, cây trồng, vi sinh vật; Di truyền Y học, Di truyền phân tử và tế bào; Di truyền học người.
-   Hàng năm đào tạo 10-20 Cử nhân Khoa học, 10-15 Thạc sĩ chuyên ngành Di truyền học, 4-5 Tiến sĩ chuyên ngành Di truyền học.
b. Nghiên cứu khoa học
Các hướng nghiên cứu chính: Công nghệ ADN tái tổ hợp, Nghiên cứu đa dạng di truyền thực vật, động vật, vi sinh vật, Nghiên cứu ứng dụng công nghệ di truyền chọn tạo giống vật nuôi, cây trồng và trong nghiên cứu, chẩn đoán sớm một số bệnh di truyền ở người, Di truyền học dược lý...